Thúy Garden – Sống bán nông bán X trong nếp nhà vườn truyền thống

Cách TP.HCM khoảng 80km, mất khoảng 2 giờ di chuyển, nhà chị nằm ở Tiền Giang. Khu vườn hiện tại rộng 5000m2 được bao bọc bởi vườn dừa, bưởi xen lẫn cây ca cao xung quanh. Theo lời chị kể, con đường đi trước nhà là con đê nhỏ cạnh bờ kênh, tuy ở vườn nhưng rất gần thị trấn chỉ mất 3-5 phút chạy xe.

Mình biết chị Thúy Ngô qua những bài viết chia sẻ rất tươi mát trên trang cá nhân về khu vườn và lối sống xanh. Dù chưa gặp nhau ngoài đời nhưng khi mình chủ động nhắn hỏi muốn được nói chuyện là chị đồng ý liền. Cuộc gặp online này là cơ duyên cộng tác cùng xây dựng cộng đồng nhỏ giữa mình – chị và ba chị em khác.

Đây là nhân vật đầu tiên trong chuỗi bài trò chuyện thân mật liên quan tới không gian ở kết nối tự nhiên và lối sống bền.

Khi quyết định chuyển từ thành phố về vườn liệu có biến cố nào đằng sau, thời gian thích nghi, làm quen với không gian mới có khiến chị vỡ mộng hay không? Đây là những câu hỏi khiến mình tò mò về niềm tin của một con người trước sự chuyển đổi. Cuộc tâm tình rất thực tế nhưng cũng đầy chiêm nghiệm giúp mình hiểu rõ, hiểu đúng về lối sống, triết lý, sự tác động của truyền thống gia đình lên mối quan hệ giữa chị Thúy và khu vườn cùng không gian sống chung. 

Mời bạn cùng theo dõi.

1. Quyết định quay về

Có biến cố nào xảy ra trước khi chị về vườn, quyết định này có khó khăn lắm không?

Với chị về vườn là mơ ước chứ không gặp biến cố hay khó khăn gì. Từ lúc lập gia đình chị đã muốn sống ở quê nhưng vì cả hai vợ chồng còn công việc ở phố nên chị làm quen với việc đi về hàng tuần. Tức là năm ngày làm việc ở Sài Gòn, hai ngày cuối tuần sẽ về quê. Chị duy trì như vậy trong khoảng hơn hai năm, cho đến năm 2021 khi dịch bùng phát mạnh mẽ, cả hai đều work from home thì chị về nhà luôn đến giờ. Bởi vậy với chị cuộc sống hiện tại có thể gọi là ước mơ đã thành hiện thực.

Tuổi thơ chị đã quen với vườn, đất, cây cối, chắc sẽ thích nghi dễ hơn lúc quay trở về?

Như chia sẻ ở trên, chị có thời gian đi đi về về khá lâu nên việc ở quê không ảnh hưởng quá lớn. Trái lại, chị vốn nhạy cảm với khói bụi, tiếng ồn ở phố nên cuộc sống ở quê càng giúp chị thoải mái và khỏe khoắn hơn.

Tần suất chị đi về giữa thành phố – quê là bao lâu?

Hiện tại, chị xem như đã sống hẳn ở quê, khi nào có công việc chị mới quay lại phố, thường khoảng 2-3 tháng/ lần. Sắp tới có thể tăng lên do chị có những dự án mới cần được triển khai với các bạn ở thành phố. 

2. Vườn nhà Tiền Giang

Buổi sáng trước khi vào làm việc chị thường làm gì, có giờ cố định hay nghi thức gì không nhỉ?

Chị có thói quen là sáng dậy sẽ đi dạo một vòng khu vườn trước sân, ngắm hoa cỏ, hít không khí trong lành, tranh thủ vận động nhẹ và cũng để phơi nắng, nạp vitamin D cho cơ thể trước khi bắt đầu làm việc. Hôm nào có nhiều thời gian hơn thì tranh thủ tưới cây, chị thích nhìn tia nước lung linh lấp lánh trong ánh nắng sớm.

Vườn ca cao truyền thống

Nghe mô tả routine này chắc ai cũng thèm ha chị.

Với khu vườn, chị có đi theo triết lý hay một câu chuyện nào không, ở giai đoạn chọn cây và tìm chỗ trồng chị có nghĩ nhiều tới quy hoạch cho cây nằm đây vì lý do này lý do kia không, hay đơn giản thì việc xây dựng vườn diễn ra như thế nào?

Khu vườn vốn là trồng xen canh giữa dừa và ca cao của cha mẹ chị, theo đuổi lối canh tác hữu cơ, không dùng thuốc hóa học mấy chục năm nay. Có giai đoạn vườn đạt chuẩn vườn ca cao hữu cơ và trở thành nơi tham quan học hỏi cho các chuyên gia nước ngoài lẫn sinh viên theo học ngành nông nghiệp tại Việt Nam. 

Khoảng vài năm gần đây, khí hậu ngày càng nóng lên, ca cao chết đi nhiều nên chị trồng xen một số cây ăn quả khác như cam, quýt, bười, mít… Việc trồng cây ăn quả được quy hoạch theo hàng dựa trên đặc điểm của cây để có đủ ánh nắng cần thiết và chủ yếu đặt ở vườn sau nhà. 

Còn ở sân trước, chị tập trung trồng cây cảnh, hoa và rau củ, chủ yếu cũng bố trí theo đặc tính của cây để chúng nương nhau phát triển. Ví dụ dưới gốc thiên tuế chị sẽ đặt hồng tú cầu, lan, vạn lộc và những loại kiểng lá ưa mát. Riêng cây nào tự mọc dù hơi “trái quy hoạch” chị vẫn giữ để chúng phát triển một cách tự nhiên nhất. Rau càng cua, cải trời tự mọc ở sân cỏ kiểng dù hơi mất thẩm mỹ nhưng chị vẫn giữ để có rau sạch. 

Chị có thể giới thiệu vài loại cây bản địa ở Tiền Giang mà chị hay trồng?

Miền Tây thì trồng bầu, bí, mướp là dễ nhất, ít ra tay ngang như chị đã trồng thành công nhiều vụ. Các loại cải như cải bẹ xanh, cải ngọt, xà lách, cải ngồng, cải cầu vồng, cải thìa… cũng là những loại dễ trồng. Rau muống, đậu bắp, rau đay, rau dền, rau má, mùng tơi cũng dễ. Chị có thử trồng củ cải trắng, củ cải đỏ, chúng phát triển ổn nhưng chăm sóc khá vất vả do loài này cần bón phân liên tục. Sau này chị trồng thêm bí đỏ, dưa gang, khổ qua tây cũng tạm ổn. Riêng dưa leo baby, cà chua, bí ngòi, tía tô là chị đầu hàng, đến nay vẫn chưa thành công. 

Đa phần hạt giống được chị mua online, của Rạng Đông với hạt chất lượng và cho rau trái ngon. Một số loại sẽ được bà con hàng xóm cho tặng.

Vườn không thiếu thứ lá gì, chị đang hái ngải cứu cho nồi xông

Quá trình mua cây / xin cây chị có trải nghiệm gì vui với người địa phương kể em nghe với?

Trải nghiệm trồng cây thì rất nhiều, đặc biệt là mấy loại cây kiểng. Từ khi chị về quê, xới tung khu vườn của cha thì nhiều người cũng biết chị mê cây. Cậu, bác và cô chị đã trở thành nhà tài trợ kim cương nên hầu như chị rất ít mua cây. Nhờ vậy chị có thêm rất nhiều loại cây như bông trang (hồng, vàng, cam), sử quân tử, phù dung, bông giấy màu hồng phấn, mắt nai, phong lữ, cẩm tú mai, chuối pháo, ngâu, ấm kiếm, ngọc ngân, huy hoàng, hồng tú cầu, huệ tây, lan… nhiều nhiều nữa, có loại mang giống từ Pháp về nữa.

3. Sống bán nông bán X

Nếu để so sánh giữa khu vườn và nhà để ở, chị có liên tưởng đến một câu chuyện gì không? Ý em là về thời gian, cách di chuyển, về cảm giác khi ở trong đó? Chị ở trong nhà hay ngoài vườn nhiều hơn?

Có thể nói chị là người sống Bán nông Bán X, làm nông với chị là một cách thư giãn và để tự cung tự cấp một số thực phẩm cơ bản cho gia đình. Vậy nên thời gian chị ở trong nhà sẽ nhiều hơn. 

Vả lại, thời tiết miền Tây hầu như chỉ có mùa mưa và mùa nắng. Vào mùa mưa, vườn ẩm thấp, mưa triền miên nên chị hiếm khi ra vườn. Mùa mưa cũng không thể trồng được hoa màu nên chị thường tập trung vào việc viết lách. Thời gian tầm tháng 11 đến mùa nắng năm sau trời khô, rau màu dễ phát triển thì chị ở vườn nhiều hơn. Hiện tại khoảng 2 tiếng/ ngày, những hôm gieo hạt, chuẩn bị trồng vụ mới thì có thể mất cả buổi chiều. 

Em thích ý làm nông thư giãn, đúng phù hợp với người thích cây mà sức khỏe cũng như thời gian có giới hạn.

Ừ thì chị làm thư giãn mà, với sức chị cũng không làm nổi hết khu vườn nên chị tập trung chăm rau và hoa trong vườn hơn 100m2 trước nhà. Tự tay gieo hạt, chăm cây, nhìn chúng lớn lên cho hoa trái, được chạm tay và đất, đi trên cỏ sương… chính là một liệu pháp giúp chị thư thái và bình yên. Còn nguyên khu vườn thì nhà chị có lắp hệ thống tưới tự động nhưng mỗi lần tưới cũng mấy tiếng và phải di chuyển khắp vườn để đóng mở van và theo dõi xem có sự cố gì không, việc này cha chị sẽ làm. Việc nào nặng nhọc hơn như cuốc đất, đào hố, dọn mương… sẽ phải thuê người làm nè. 

4. Tái chế ở vườn

Điều em thích nhất ở vườn là ăn xong món trái cây nào mình có thể tiện tay vứt vỏ ra mặt đất, lúc đó em thấy mình cao thượng kiểu gì đó, vì rõ ràng mình tác động chăm bón thêm cho mặt đất mà. Với các loại rác thải rắn, rác hữu cơ, vô cơ, chị thường xử lý chúng như thế nào? 

Từ lúc nhỏ chị đã thấy cha mẹ phân loại rác và điều này được áp dụng đến tận bây giờ. Mọi người đến nhà chơi hay chọc là nhà chị không bỏ thứ gì. 

Đầu tiên, rác thải hữu cơ dễ xử lý nhất, như em nói là cứ đổ ra đất là được. Đó là những gì gà còn ăn được như vỏ trái cây, rau củ chị tiện mang ra sân. Ngoài ra, nhà chị thường đào những hố chuyên chứa rác hữu cơ, mục tiêu biến rác thải thành phân bón cây. Ở đây, gà tiếp tục đào bới tìm thức ăn, nhờ đó rác và đất vụn hòa lẫn vào nhau tạo ra lớp mùn, rồi giun đất sẽ làm tiếp phần việc còn lại giúp rác phân hủy. Sau vài tháng phân hữu cơ tơi xốp, giàu dinh dưỡng sẽ được đào lên để trộn vào đất trồng cây. 

À, rác hữu cơ còn có cơm và đồ ăn thừa, xương sẽ được trộn cùng để nấu cơm cho các bạn chó trông nhà. 

Tiếp theo là rác thải rắn và chai nhựa, dù cố gắng hạn chế nhưng trong quá trình sinh hoạt vẫn không tránh khỏi các loại rác này. Nhà chị thường gom lại tại một khu vực đến một thời điểm sẽ gọi chị ve chai đến dọn. 

Khó nhất là túi nylon, chị luôn cố gắng tái sử dụng nhiều lần nhất có thể trước khi đến bước cuối cùng là đốt bỏ. Lò đốt được thiết kế với lòng sâu và ống khói vươn lên cao nên người đốt không bị ngợp khói, lượng túi đốt cũng rất ít so với lượng củi đun nên chị thấy vẫn ổn. 

Chiếc bàn làm việc tái chế của chị Thúy Garden

Có món đồ nào chị tận dụng / tái chế để dùng được nhiều lần nhất không? Em hay bị cảm giác tội lỗi với chuyện dùng đồ mới có 1 lần mà phải vứt đi, ví dụ vỏ chai nước suối, khẩu trang y tế hay hộp đồ ăn nhanh.

Thông thường chị ve chai sẽ không mua chai thủy tinh, đó là lý do chị hay tận dụng làm lọ hoa, hộp đựng bút, đồ trang trí vì nó vẫn có tính thẩm mỹ riêng, vừa tiết kiệm. Với các hộp quà, hộp giấy chị dùng lại để đựng sách vở, phân loại đồ dùng hàng ngày. 

Chị thích nhất là tái chế những hũ đựng gia vị để tiếp tục đựng các loại khác vì nó có nắp và size dễ thương nên dùng được rất nhiều lần, đến khi nắp không còn đẹp thì chị sẽ dán giấy vào để tiếp tục đựng đồ khô mà vẫn đảm bảo thẩm mỹ. 

Hộp gia vị thủy tinh được tái sử dụng thành hộp đựng đồ khô

Chị có đưa nghệ thuật hay thủ công vào đời sống thường ngày của mình không?

Trước đây chị có thêu tay, biến những bông hoa có trong vườn thì một tác phẩm nghệ thuật mang tính ứng dụng và dấu ấn cá nhân. Sau một thời gian bận rộn, chị cũng đang định khởi động lại sở thích này. Chị thường tự ví thêu tay giống như một cách thanh lọc tâm trí vậy, vì lúc đó chị im lặng, chỉ tập trung vào màu sắc, đường kim mũi chỉ.

Chị cũng thích viết Calligraphy, đây là một cách chị thư giãn khi căng thẳng. Thông thường mỗi tháng chị sẽ trang trí sổ ghi chép một lần với phong cách hoa lá như mang khu vườn vào trang giấy, vừa giúp lên kế hoạch vừa có niềm vui và động lực cho tháng mới.

5. Việc theo đuổi ngách viết mới

Chuyển hẳn về vườn, có chuyện gì khiến chị vỡ mộng chưa, kiểu thực tế sao khác với hình dung của tôi quá vậy.

Điều chị mong muốn nhất bây giờ là có thể sống ở vườn càng lâu càng tốt nên chưa có chuyện vỡ mộng. Tuy nhiên, nỗi sợ với rắn rết và sâu vẫn rất lớn nên chị đang học cách thích nghi với nó. 

Dự án cá nhân gần đây và hiện tại của chị là gì, em sẽ không tò mò về công việc kiếm tiền của chị đâu, nhưng nếu chị muốn share thì cứ kể nha. À, chắc chắn chị có ấp ủ gì mới cho tương lai nhỉ, nó có liên quan tới việc hướng về thiên nhiên không chị. Nguồn cảm hứng bắt đầu từ đâu đó chị?

Chị đang theo đuổi ngách viết về Kiến trúc – Nội thất, đặc biệt về Không gian sống xanh nên trong khoảng một năm tới chị sẽ tập trung nghiên cứu để viết tốt mảng này. Hiện tại chị đang là co-founder của Eco-arch Eco-living – Cộng đồng theo đuổi kiến trúc và lối sống bền vững, đây là một cộng đồng mới thôi nhưng hy vọng với hạt mầm gieo xuống cùng với những điều mình đang theo đuổi, chị và các bạn sẽ cùng nhau lan tỏa lối sống tốt đẹp đến với nhiều người. 

Nếu được giới thiệu 1 cuốn sách/ 1 bộ phim/ 1 kênh liên quan tới tự nhiên, chị sẽ chọn một cái tên nào? Em nghĩ nhiều người muốn kết nối thiên nhiên, có ý định quay về vườn sẽ được truyền cảm hứng rất nhiều.

Quyển sách chị tâm đắc nhất đến giờ là Sống Bán nông Bán X của tác giả Shiomi Naoki, nó thiên về lối sống bền vững hơn là trồng cây và giúp chị có một hình dung rõ ràng hơn về cuộc sống gắn với vườn nhưng vẫn đảm bảo thu nhập cho sinh hoạt. Còn về vườn tược thì chị xem hình ảnh đẹp trên Pinterest nhiều hơn đọc sách vì nó tiện để truy cập bất cứ khi nào. Nói về truyền cảm hứng thì chị hay theo dõi bài viết của các bạn trên nhóm Yêu bếp, rồi tự học hỏi và áp dụng cho bản thân, có rất nhiều điều thực tế, duy mỹ và rất hay ho. 

Cám ơn chị đã kiên nhẫn trả lời bộ câu hỏi này của em nhé. Hy vọng một ngày em có thể ghé thăm khu vườn và ngôi nhà của chị.

Cám ơn em.

Bạn có thể theo dõi khu vườn của chị Thúy Ngô tại website thuygarden.com, @thuygarden.life hoặc Facebook

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top