Tại sao ta ghé đi ghé lại một quán? Hay thương hiệu cá nhân được tín nhiệm như thế nào

Mỗi lần nản mình hay nhớ về chuyện bên dưới mà soi gương – chuyện kinh doanh và bền bỉ làm thương hiệu.

Một câu chuyện

Ngồi ăn trong những hàng quán lâu đời, nhìn khách đều đặn ra vào, mình mới tự hỏi: Lý do gì khiến họ ghé đi ghé lại một quán ăn.
Đồ ăn ngon có phải là thứ ưu tiên đầu tiên khi lựa chọn, khi giới thiệu về một quán ăn. Hay còn điều gì đó khác mà người ta vốn cũng không biết gọi tên là gì. Vậy nên, mình thử đưa ra vài lý do bên dưới xem đâu là điều hợp lòng nhất.

ĐẦU TIÊN LÀ,
Đồ ăn hợp khẩu vị khách – một tiêu chuẩn không cần bàn cãi. Ăn thì phải ngon phải đúng bài của mình, chưa bàn tới chuyện ngon xuất sắc hay ngon tầm thường. Trên tiêu chuẩn ngon là đủ khiến khách có lý do quay lại lần nữa.

Khẩu vị từ đâu mà tới. Chính từ tổng thể trong mạch ký ức của mỗi cá nhân. Những mái nhà, những bàn tay người nấu nướng, những vùng đất từng ghé qua đều chứa đựng hương vị thân quen, từ đó tạo thành vị giác cá nhân. Tính cá nhân làm mến chỗ này, chê chỗ kia là chuyện hết sức bình thường.

TIẾP THEO,
Nhìn từ khía cạnh của một cửa hàng hay tinh thần chủ quán. Lý do khách ghé lại vì thích cách bài trí không gian, chỗ ngồi, tô chén, khăn giấy. Bạn có thể ghé lại vì thích nhìn ra góc đường từ phía trong quán hay say mê người múc tô nước lèo lúc nào cũng hỏi han ân cần.

Riêng mình lại cảm mến những câu chuyện giao tiếp giữa quán – khách.

Đó là giọng điệu mát lòng mát dạ của anh người Huế bưng bàn. Chú bảo vệ lúc nào cũng niềm nở dắt xe rồi cười cười ghẹo vài câu. Mấy điều đó dư sức bù lại cho đồ ăn nhiều khi ra món chậm hay bạn nhân viên mới lọng cọng vài chỗ.

Tại sao mình viết

Bởi mình muốn tìm câu trả lời cho thắc mắc: Làm sao để kinh doanh hiệu quả và bền bỉ suốt nhiều chục năm trời? Chuyện gắn bó với một công việc, từ ngày này sang tháng nọ theo mình không dễ cho thế hệ trẻ như mình.

Luôn luôn có những lựa chọn, luôn luôn có những thứ hấp dẫn khiến mình nhảy qua nhảy lại bất cứ lúc nào. Thời đại nhanh, phẳng, nhiều phương án làm tâm lý con người dễ lung lay. Và rồi mất bao lâu để thích ứng với thay đổi liên tục. Mình muốn tìm một công thức chung nào đó khiến người ta ghé quán, hay rộng hơn là việc kiên trì theo đuổi một công việc của người làm ăn.

Tính lặp lại dù cho mưa gió ế ẩm

Tới đây, mình thấy tính lặp lại xuất hiện trong những quán ăn lâu đời, đặc biệt là lối kinh doanh gia đình. Một loạt công việc cần làm mỗi ngày, dù có ế, dù có mưa gió, dù có nhiều ham mê nhảy lên. Họ vẫn đều đặn mở cửa phục vụ.

Người ta quay lại vì hàng quán đều đặn bày bàn ghế, bảng hiệu, mở cửa đúng giờ. Sáng nào khói lửa từ bếp nướng cũng tràn ra đường. Nó in sâu vào trí nhớ của người qua kẻ lại. Đó là bước đi đầu, lôi kéo khách hàng biết về sự hiện diện của quán. Việc duy trì khiến khách quay tới quay lui lại có kiểu công thức lặp lại khác nữa.

Tính thời gian tạo sự bám rễ lâu dài cho thương hiệu

Có phải thời gian và hành động lặp lại mới tạo được sự bền bỉ lâu dài. Liên tục chạy theo sự thay đổi thì làm sao giữ được dấu ấn của việc đều đặn. Hai năm mở quán cà phê, nửa năm lại mở quán bún, nửa năm lại mở quán bánh. Thật, mình nghĩ khó mà khiến người ta ghé đi ghé lại thường xuyên, hay đạt tới độ ghi nhớ khắc sâu vào tâm tim khách hàng.

Nhất là tâm lý con người dễ thay lòng đổi dạ, để người ta yêu mình thật đậm, chỉ có cách bám rễ thật sâu vào tiềm thức của họ. Thời gian chứng minh tính đúng đắn của một vấn đề, những hàng quán lâu đời chứng minh được chuyện đó.

Tóm lại,

Mình nghĩ thời thế có biến đổi ra sao, mình vẫn cần kiên trì làm những thứ có tính lặp lại nếu như muốn có lượng khách thân thiết ghé đi ghé lại. Điều này cũng giống việc làm thương hiệu cá nhân vậy, hy vọng là mình không đói meo cho tới khi nó được tín nhiệm.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top