Studio kiến trúc Norm Architects, Đan Mạch với công trình du lịch nghỉ dưỡng gastro-tourists trên nền đất của một nông trại cũ. Sau khi dạo bộ trong vườn nho, du khách có thể băng qua khu nhà hàng thưởng thức đồ ăn trồng trực tiếp tại địa phương.
7 Villas gỗ nằm xung quanh hồ nước, thiết kế dùng hành lang kính làm điểm nhấn cho “sự kết nối với không gian xung quanh”; tại đây kiến trúc xóa mờ ranh giới giữa nội – ngoại thất nhờ tận dụng hiệu quả cảnh quan tự nhiên. Công trình tái hiện hình ảnh chòi câu cá cổ điển của dân Nordic kết hợp với nhà gỗ Nhật Bản truyền thống và hành lang phủ kính lấy cảm hứng từ bảo tàng nghệ thuật Louisiana, Đan Mạch.


Du khách tiếp cận Villa qua hành lang chung – giải pháp cụ thể hóa ý niệm “Đền Nhật Bản và vườn nơi tiếp cận với khu đền thờ chính”. “Hành lang kính đem lại cảm giác như bước đi trên mặt nước, nhờ đó trải nghiệm bước vào căn phòng trở nên mới mẻ hơn”, theo các nhà thiết kế Norm chia sẻ.
Giao thông trong kiến trúc là yếu tố thường bị bỏ qua hoặc ít được gây chú ý như không gian chính, bởi vậy nó chỉ làm tròn chức năng điều hướng. Nhưng khi áp dụng thuyết hiện tượng học (phenomenological), sự chuyển tiếp giữa các không gian lại có thể đem tới trải nghiệm thú vị. Lối đi có mái che giữa các phòng khách sạn đóng vai trò liên kết các hành lang, cùng hướng tầm nhìn ra mặt hồ thoáng đãng.
Sàn nhà đem lại cảm giác lơ lửng trên nước nhờ mặt hồ nhân tạo được bồi thêm bê tông. Mỗi villa đều nằm biệt lập, có hồ bơi riêng ẩn phía sau. Lối vào từ sàn gỗ dẫn tới lounge tiếp khách. Phòng tắm nằm sát mặt nước sử dụng đá làm vật liệu chính, phòng xông hơi gỗ cùng lò xông hạ thấp dưới sàn nhà. Nhà tắm tương phản với tone màu vàng ấm bên ngoài, ta thấy sự chuyển màu từ xám đến xám đậm cho cảm giác đang lạc vào một hang động yên tĩnh. Kết thúc ở phần cuối hang động là điểm nhấn sáng rọi từ giếng trời như “tín hiệu” dẫn bạn ra khu sàn tắm ngoài trời.


Nội thất đảm bảo tính riêng tư, tăng tối đa ánh sáng và sự liên hệ với tự nhiên. Cửa chớp, lưới gỗ được sử dụng trong gần như toàn bộ không gian nghỉ ngơi. Ngoài tác dụng lọc ánh sáng ban ngày từ mặt trời, nó còn nhiệm vụ phản chiếu dòng sáng từ mặt nước tĩnh lặng. Sự chuyển động của nước trên trần thạch cao, tường hay vệt sáng lấp ló qua màn che lưới vừa tạo hiệu ứng động – tĩnh đồng thời. Như các nhà thiết kế Norm chia sẻ: “Không gian liên tục thay đổi do sự phản xạ và lọc sáng”.
Dự án Sjöparken hướng tới điểm cân bằng tâm trí bằng kiến trúc, nội thất – cảnh quan.


Cột gỗ chống đỡ được cân chỉnh độ sâu để 2 phòng cạnh nhau không thể nhìn nhau trong khi di chuyển cùng không gian, nhờ đó đảm bảo tối đa sự riêng tư. Thiết kế loại bỏ tối đa việc trang trí nội thất, ngoài vài món đồ gốm chọn kĩ lưỡng và vách rèm gỗ ngăn chia phòng ngủ – phòng khách. Bên trong sử dụng vật liệu và hoàn thiện ấm áp theo tinh thần Nhật Bản kết hợp Bắc Âu gồm tấm ốp gỗ sồi, đá, gốm, nội thất tinh chọn kỹ lưỡng với đường bo tròn mềm mại.

Theo Hedda Klar nhà thiết nội thất tại Norm Architects: “Bảng màu vật liệu hướng tới mục tiêu giữ vẻ hài hòa với thiên nhiên Thụy Điển không ngừng biến đổi ngoài khung cửa sổ”. Thay vì cạnh tranh với cảnh quan, thiết kế đóng vai là một điểm cân bằng, mang lại cảm giác đan xen giữa ấm – lạnh, cứng – mềm, góc cạnh – êm ái.
Sjöparken hoàn thiện với phần mái xanh phủ cây, làm dịu đi vật liệu xây dựng (có tính nhân tạo), đồng thời giúp toàn bộ công trình như hòa vào dòng thời gian.
- Năm hoàn thành: 2023
- Thiết kế: Norm Architects
- Địa điểm: Thụy Điển
- Photo: Jonas Bjerre-Poulsen

Featured image: Jonas Bjerre-Poulsen