Nơi linh thiêng riêng tư

Không gian tâm linh, thờ tự được những người trẻ hiện nay xác định cần giữ sự riêng tư, nét trang trọng để giúp họ có chỗ neo đậu xúc cảm, định hình hồi fíc và góp phần lý giải những câu hỏi lớn trong đời sống.

Giữa thời đại trí tuệ nhân tạo lên ngôi với đầy ắp dữ liệu lập trình sẵn, liệu có hay không một nơi tìm về với cảm xúc, tiếp sức cho con người vượt qua những chông gai? Người trẻ hôm nay tuy được hưởng đầy đủ những tiện ích thông minh thật ra lại sớm đối mặt với các ưu tư trong nội tại. Từ đó họ có xu hướng tìm đến cảm giác kết nối tâm linh như một điểm tựa tinh thần. Không gian thờ tự của nơi sống hiện đại đối với những người trẻ đô thị đang có những diễn giải, bố trí, quan điểm nhìn nhận… riêng và cần cảm thông, chia sẻ.

NIỀM TIN TÂM LINH TIẾP SỨC TINH THẦN

Xưa nay, nơi thờ cúng trong mỗi ngôi nhà tuy ít được “khoe ra” nhưng hầu như ngầm mặc định luôn phải có, dù rộng hay hẹp. Khi còn nhỏ tôi đã quen làm chân chạy việc cho bà nội mỗi lần nhà có đám, như phụ chuẩn bị nhang đèn, bưng bê đồ cúng. Lớn lên cứ đều đặn ngày rằm và mùng một hằng tháng, ba tôi đều nhắc thay một bình hoa mới trên bàn thờ thiên ngoài sân. Ba mươi Tết nào nhà tôi cũng sắp chiếc bàn nhỏ với mâm đồ cúng sau bữa cơm tất niên, với bình hoa tươi, một lon gạo cùng vài cây nhang thơm. Và tôi thấy đa số nhà chung quanh ai cũng vậy.

Tôi đã từng có lần thắc mắc sao mình phải tốn công sức làm những việc mang tính nghi thức lặp lại như dọn bàn thờ, chuẩn bị giỗ, xếp mâm ngũ quả, bàn cúng. Chỉ khi xa quê, xa nhà thật lâu, chỉ khi sống trong sự thiếu vắng các hoạt động ngỡ như lặp lại nhàm chán đó, tôi mới hiểu thêm mình cần điều đó đến mức nào. Khi cô quạnh mới nhận ra tình thân gia đình, khi xa quê mới nhớ nhung nơi xưa chốn cũ.

Thông tin mới nhất về Tết Nguyên đán vừa được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết công nhận chính thức là ngày nghỉ lễ hằng năm có ý nghĩa quan trọng với văn hóa cổ truyền Á Đông và các nước kỷ niệm Tết Nguyên đán. Tôi đọc tin này sau Giáng sinh vừa qua, và chợt thấy mình cũng đang vui chung niềm vui của gần hai tỷ dân trên toàn thế giới coi năm mới âm lịch là dịp lễ quan trọng nhất trong năm. Và tôi cũng tự hỏi, mình vui vì điều gì, khi mình là người trẻ, về quê, nghỉ Tết, thờ cúng, tảo mộ… giờ đây thực sự là áp lực, hay sẽ giúp mình được nhớ ra mình ở đâu và từ đâu, thuộc về nơi đâu.

Gặp người ta mua bông, nhang đèn rồi tụ tập ở đình miếu, tôi nhận ra sắp tới rằm tháng chạp. Tôi nhìn dòng người cầu tự trong Văn Miếu là biết mùa thi cử sắp tới. Ngó người ta khoanh tay cầu nguyện trước Đấng Chúa trời, tượng Đức mẹ hay các vị thánh thần bất kể không gian – thời gian, tôi thấy trên ánh mắt, gương mặt họ tràn ngập bình an.

Đứng trước không gian tâm linh dù lớn dù nhỏ, dù trong nhà hay ngoài đường, tôi thấy mình như có chỗ dựa tinh thần, cái tôi của tuổi trẻ xốc nổi được hạ xuống, cái hoang mang bơ vơ “chưa hiểu sự đời” được điểm neo đậu ổn định nào đó từ tâm tỏa ra. Vào không gian thờ tự, thanh tao tĩnh lặng, bài trí tôn nghiêm, ánh sáng sâu lắng, dù không có đức tin cũng dễ khiến con người hiền hòa, nghiêm túc trở lại.

Tôi không đủ sức lạm bàn về đúng sai của vô số hoạt động thực hành tôn giáo tín ngưỡng diễn ra từ đường phố tới trong nhà. Am thờ đặt khắp nẻo, nơi góc chợ, dưới gốc cây, ở ngã ba; vấn đề môi trường, thẩm mỹ, trật tự… mà lộn xộn quá thì cần chỉnh đốn, sắp xếp chứ không phải dẹp bỏ, ngăn cấm. Tôi qua Singapore thấy họ làm ổn mấy việc này.

Dẫu bạn có theo tôn giáo nào thì văn hóa tâm linh luôn len lỏi mọi ngóc ngách. Bằng cách này hay cách khác, đời sống tâm linh đa dạng hiện hữu, in sâu, bám rễ vào nếp sống thường nhật cho dù cuộc sống có hiện đại đến đâu.

TÌM VỀ TÍNH VIỆT QUA GÓC TÂM LINH

Tôi có dịp ở cùng người Giẻ Triêng, khu vực tỉnh Kon Tum, để tìm hiểu về thực hành tín ngưỡng. Tương tự với các đồng bào khác ở Tây Nguyên, họ quan niệm người chết là hết, quay về và tan rã vào rừng. Vì thế họ không thờ cúng hay đặt bàn thờ trong nhà như tộc người Kinh. Với họ, các vị thần hiện diện xung quanh nơi họ sống, đó là thần Yang hay Ma-hooa. Những cây cao trên đỉnh núi là nơi thần Yang ngự trị, những cây đa mọc ven suối lối đi của ma quỷ Ka-nạm; vì thế họ không bao giờ chặt đi cây ở khu vực thần linh ngự trị để làm nhà.

Trước bữa ăn hay trong các dịp lễ quan trọng, người Giẻ Triêng thường thông báo mời gọi tổ tiên về bằng cách rải chút thức ăn ra sân, họ gọi là mời Đất mời Trời trước, sau mới ăn. Khái niệm bàn thờ, không gian thờ tự của người Giẻ Triêng được mở ra là toàn bộ vạt rừng mà họ cư ngụ trong đó, nó di động cùng tính dàn trải rộng lớn chứ không cố định như quan niệm của người Kinh.

Tác giả Toan Ánh trong Nếp cũ – Tín ngưỡng Việt Nam cho rằng qua việc thờ cúng tổ tiên tại Việt Nam, người khuất và người còn sống luôn luôn có một sự liên lạc mật thiết. Sự thờ cúng chính là môi trường gặp gỡ của thế giới hữu hình và vũ trụ thần linh. Họ tin rằng dương sao thì âm vậy, khi sống cần những gì thì chết cũng cần những thứ ấy. Thậm chí người ta còn nhớ cả điều thích hay món không ưa, các kiêng khem của người quá cố, từ đó người sống làm những bữa cúng giỗ toàn những món ăn gợi kỷ niệm tình thân với người đã khuất.

Trong Đại Nam quấc âm tự vị (xuất bản 1895), tác giả Huỳnh Tịnh Của cắt nghĩa Thổ thần và Tài thần đều là: “Thần đất, thần giữ tiền bạc”. Tục thờ thần Tài, ông Địa lại thể hiện tín ngưỡng tài lộc, với mong ước được mua may bán đắt, cuộc sống làm ăn sung túc.

Thực hành tín ngưỡng tâm linh hài hòa, văn minh là cơ sở để xây dựng niềm tin cá nhân, căn tính của gia đình, vùng đất, quê hương, cho dù có là tộc người nào trên mảnh đất Việt này. Tôi nghĩ vậy dù mình còn rất trẻ, nhưng tôi đã được tiếp xúc, hiểu và vận dụng, chiêm nghiệm qua chính nhận thức của mình, rằng người Việt ta cũng như các dân tộc khác trên thế giới, đều quan niệm vạn vật đều có linh hồn, tôn sùng các vị thần cổ sơ nhất trong thiên nhiên, đặc biệt là thần cây, thần đá, thần núi, thần sông nước… Việc nhân hóa các thần tự nhiên đã tạo ra một bước chuyển cho việc hình thành hệ thống thần linh.

SỰ GIẢN LƯỢC VĂN HÓA TÂM LINH Ở THẾ HỆ MỚI

Tôi hay nghe hỏi: “Sau này người thân mất đi liệu mình có tiếp nối văn hóa thờ cúng như thế hệ trước đang làm?” hay cụ thể hơn là câu “Mẹ chết rồi tụi bây có cúng cho mẹ bữa cơm không nữa?”. Tôi lại đi khảo sát bạn bè đồng trang lứa 9X, 10X về quan niệm thờ cúng của họ.

Niềm tin tâm linh ở bên trong có thật sự quan trọng hơn hình thức thể hiện ra bên ngoài?

Và tôi nhận được những ý trả lời như “Sao lúc sống không tận hưởng, tằn tiện quá lúc chết có mang đi được đâu” và phổ biến nhất là câu “Mình thích bày biện một góc tâm linh trong căn hộ với 2 – 3 bức tượng nhỏ, chút hình ảnh kỷ niệm là thấy đủ rồi”.

Quốc sư Yên Tử từng nói với vua Trần Thái Tông: “Núi vốn không có Phật. Phật ở nơi tâm. Tâm lặng lẽ sáng suốt ấy là chân Phật”.

Ít cúng kiếng, không nhang khói thường xuyên, không có nghĩa rằng tôi không nhớ, không thương tiếc người đã khuất. Để thể hiện lòng tin tâm linh theo tôi có rất nhiều diễn giải, thực hành, mà việc sống tốt cho cuộc đời hiện tại đã là một cách. Tạo dựng một không gian thiêng cho riêng mình đôi khi chỉ cần góc bàn với tượng nhỏ, một linh vật, một tấm hình, một món đồ kỷ niệm, nhắc nhở về đức tin, chừng đó đã đủ làm nên sự trang trọng, kín đáo.

Không cần chờ đến thế hệ mới, những người thế hệ trước đã bắt đầu giản lược khi không gian nhà ở co hẹp lại theo nhịp sống đô thị. Họ thích tối giản hóa phong cách bàn thờ, các vật phẩm bài trí. Vì họ nhận ra cái mình cần là sự thanh tịnh trong lòng chứ không phải chạy đua theo vật chất bề ngoài hay lời phê bình từ người xung quanh. Tôi nhìn qua Nhật Bản, trông sang Singapore, không đâu xa xôi, bạn bè tôi bây giờ cũng làm tối giản như vậy khá nhiều.

Những ngôi nhà thông minh hiện nay với đầy đủ các thiết bị phục vụ giúp ta tiết kiệm thời gian, công sức. Công nghệ là mảnh ghép hoàn hảo cho những người hay ước ao một ngày có nhiều hơn 24 tiếng. Vậy khoảng thời gian dư ra, công sức đã tiết kiệm thì ta dành làm gì? Tạo ra nhiều của cải vật chất, tạo giá trị tinh thần, rèn luyện sức khỏe, tạo những kết nối chất lượng, hay dành cho việc… chỉ nằm thẳng, đứng yên mà không làm gì?

Riêng với tôi, những ngày năm hết Tết đến này, tôi dành thời gian nuôi dưỡng tâm khảm mình, dù chỉ một chút thôi. Tôi không muốn lạc mất chính mình. Không gian thiêng ở thời đại công nghệ này với tôi dường như đang được tái định nghĩa. Một góc khiến tôi an lòng để tựa vào, hay thật lòng thể hiện niềm tin cá nhân bất kể tôn giáo, thần linh, bất kể không gian mạng hay nơi thờ tự cộng đồng, bất kể ta sùng bái một bức tượng hay một nhành cây mục. Miễn là khi tôi nhận ra đó là nơi mình thấy an yên trong lòng nhất, đó là nơi đủ đầy để bắt đầu nuôi dưỡng tôi.

Bài viết được in trong tạp chí Kiến trúc nhà đẹp, Xuân Giáp Thìn 2024


Featured image: tạp chí KTNĐ

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top