Ngôi nhà được coi là có hồn dù còn nhiều ý kiến tranh luận, vẫn có thể kể ra các tiêu chí cơ bản: màu thời gian, mùi nơi chốn và hồn con người. Cái hồn đó trước đây dễ thấy ở nhà từ đường, nhà ông bà, hay nhà “dưới quê”. Vấn đề ở chỗ, thời nay ai cũng cần sở hữu một không gian sống riêng tư, hiện đại và chưa chắc được tạo dựng từ lâu. Vậy tính thời gian lịch sử tích lũy làm sao có được trong căn nhà mới xây, hay căn hộ nhỏ mới thuê? Làm sao giữa những khối vật chất hoàn thiện mới tinh tươm đến mức tối giản có thể cảm nhận được hồn cũ hiển hiện?

Trước khi tìm kiếm lời giải đáp, có thể điểm qua tình trạng thiếu vắng dấu ấn thời gian và tính kế thừa gia đình trong không gian mới hiện nay. Những góc bếp tinh tươm như showroom cao cấp, mà trơ trọi, thiếu đi dấu ấn của tương tác, gặp gỡ, bày biện. Góc tủ trưng bày vài ba bìa sách đẹp, thậm chí là sách rỗng ruột chỉ là hộp vỏ điểm trang.
Thậm chí nhà sử dụng đã lâu nhìn đâu cũng thừa đồ để dùng ngay, xài liền, mà vắng những món đồ kỷ niệm, hay dấu ấn của vật dụng mòn vết thời gian. Khi cần trang hoàng, chụp ảnh thì sắp xếp đồ trang trí mới vào đầy tính chất “không liên quan” như một kiểu minh họa gấp rút.
KHI CŨ MỚI PHỐI KẾT VẪN CHƯA HẾT THỜI
Theo tạp chí Home & Garden (*), xu hướng thiết kế nội thất vài năm tới vẫn sẽ chứng kiến nhiều diện mạo mới mẻ, từ công trình cải tạo pha trộn giữa tính truyền thống với các mảnh ghép hiện đại, đến cách làm cũ đi những không gian mới. Tất cả không nằm ngoài quy luật đáp ứng tâm lý thể hiện cảm giác thoải mái, cá tính độc đáo và dấu ấn riêng biệt.
Nghĩa là con người không chỉ tìm đến tiện nghi, mà còn cần cân bằng với yếu tố quen thuộc trong quá khứ, cần sợi dây thời gian để ta bám vào những lúc gặp trắc trở. Những chi tiết “cũ người mới ta” có thể khơi gợi phần nào tâm thức, hoài niệm một thuở khó quên. Như việc ăn một đĩa rau xào mà thấy xôn xao vì nhớ lại tình cảm dễ chịu bên mâm cơm gia đình năm nào. Cảm giác hoài niệm tương tự cũng bắt gặp trong mỗi góc sống, nơi chốn, thậm chí vùng miền.
Mỗi ngày sau cuộc mưu sinh, quay trở về mái nhà, ai cũng muốn được vỗ về trong ốc đảo bình an.
Có khi là kệ tủ cũ mà ba nhọc công đóng từng con ốc vít cho đám con đựng sách. Có khi nhìn chiếc salon gỗ mà thấy như còn dưới vòng tay ấm áp của ngoại với giọng kể chuyện êm êm về một thời xuân sắc. Có khi nhìn bộ đồ chơi xếp hình, nhìn vết xước trên nền gạch mà ba mẹ nhung nhớ về đứa nhỏ du học xa nhà. Những hình hài, dấu vết từ quá khứ giúp ta chạm vào cảm xúc, để dù sống trong một không gian mới, vẫn không thấy lạc lõng hay tách rời với giá trị làm nên con người nguyên bản của ta.
Các nhà phân tích còn chỉ ra nhu cầu “cũ mới phối kết” dưới góc độ thị trường, kinh tế, tiêu dùng. Tình hình biến động kinh tế, nhiều ngành suy thoái, tiêu dùng thắt chặt, biến đổi khí hậu… hiện nay đang góp phần khiến nhiều gia chủ tiết chế lại các khoản chi phí. Hiện rất dễ dàng tìm thấy nhiều kênh hướng dẫn tự tay cải tạo, làm mới nhà cửa sao cho tiết kiệm và hiệu quả. Giải pháp giữ lại những chi tiết, vật liệu cũ vừa hợp kinh tế với túi tiền, vừa hài hòa hơn với môi trường sống.
LẮM CÔNG PHU MÀ NGỠ NHƯ CHƠI
Dĩ nhiên việc đưa hồn cũ vào nơi sống mới chỉ là một trong nhiều cách để không khí ngôi nhà có mới có cũ đan xen hài hòa. Để làm cho tới mà không sa đà vào chuyện làm đồ “giả cũ”, làm cường điệu hóa hoặc phối trộn lung tung lại đòi hỏi “trình” về thẩm mỹ và kỹ thuật.
Mấy ông thợ hay chê khi có khách yêu cầu chế tác lại đồ cũ, vì thực sự rất cực nhọc và cần dụng công dồn trí rất nhiều. Nhận bừa không khéo dễ biến đồ cũ thành đồ nát, hết xài. Kỹ thuật phù hợp luôn cần tốn thời gian trải nghiệm thực hành, thậm chí là tay nghề đặc thù tầm cỡ nghệ nhân, còn con mắt thẩm mỹ đôi khi không dễ áp dụng được ngay, nếu không hiểu được các bí quyết trang trí căn bản, và có trợ giúp của nhà chuyên môn cùng sở thích, đồng cảm và chia sẻ.
Cũng dễ nhận ra, nội thất theo xu hướng giao thoa giữa hiện đại và truyền thống vẫn là cách làm khá phổ biến của các nhà thiết kế hiện nay. Ví dụ, tái tạo vật liệu cũ bên cạnh đường nét hiện đại ở đồ nội thất tái chế (Upcycling furniture). Hay sử dụng món đồ được sản xuất từ nhiều thế kỷ trước cho một không gian hiện đại, trong xu hướng dùng đồ cổ trang trí (antique). Phong cách trang trại vùng ngoại ô (farmhouse, cottage, rustic) cũng giúp phủ đầy cảm giác hoài niệm từ vật liệu tự nhiên, màu sắc thô mộc bên cạnh yếu tố tinh gọn giữa cuộc sống tiện nghi.

Thế hệ GenZ có tiếng nói mạnh dạn hơn với chuyện tận dụng sản phẩm đã qua tay vài lần. Chính sự hiếm có khó tìm của món đồ cũ giúp mang lại tiếng nói cá nhân mạnh mẽ cho người sở hữu.
Thời công nghệ thông tin có quá nhiều lựa chọn, ý kiến cá nhân thật dễ dàng thể hiện trước đám đông, nhưng sự hỗn loạn thông tin ấy dễ khiến GenZ hoang mang không biết mình thuộc về đâu. Bởi vậy việc quay lại tìm hiểu giá trị nền tảng, nguồn gốc lịch sử, câu chuyện quá khứ… trở nên thú vị và có gu hơn trong mắt thế hệ trẻ.
Bên cạnh những kho bãi lớn chuyên thu mua đồ gỗ cũ, có thể dễ dàng tìm mua ngay tại nhà các món tủ, kệ, ghế gỗ, nội thất tái chế được trang hoàng như mới, trên mạng xã hội. Vài cái tên nổi bật: 2hand.furniture, nem.space… Nét đẹp không hoàn hảo, như triết lý Wabi sabi cũng đang được đề cao trong trang hoàng nhà cửa và sản phẩm nội thất hiện đại của số đông người tiêu dùng trẻ.
Từ trong nhà ra tới quán café, homestay, hay góc làm việc chia sẻ là những nơi người trẻ nương theo để náu vào.
Đâu đâu cũng thấy vẻ hoài niệm của thời gian qua cái đĩa chiếc ghế, từ câu chuyện đồ ăn món uống tới sắp đặt, trang trí nội ngoại thất. Không gian nhà ở, quán xá hiện nay đang góp phần tích trữ vào “kho ký ức” của mỗi đứa trẻ về sau. Và thực tế nhiều người lớn xây nhà dựng cửa cũng muốn giữ hàng gạch nung đỏ, mấy cánh cửa chớp, hoặc sân gạch bông gợi về một thuở… là có lý do về tâm lý.
Theo lý thuyết của Piaget, trẻ em ở giai đoạn 7-12 tuổi (The Concrete Operational Stage) bắt đầu mở rộng suy nghĩ có tính hợp lý về những vấn đề cụ thể. Phần lớn tính cách được định hình trong tuổi này, bởi trẻ đã biết đặt câu hỏi, quan sát về mọi cảm giác, suy nghĩ, hình ảnh từ thực tế (**). Thử tưởng tượng, một đứa nhỏ lớn lên trong nông trại vùng ven được sống với không khí ươm mùi cỏ cây đất cát, chân trần đuổi bướm hái hoa sẽ khác ra sao với đứa trẻ được “nuôi nhốt” trong nhà cao tầng bọc kính cường lực, với sân chơi cỏ nhựa và hươu nai bằng gỗ mô phỏng.
Môi trường sống – ngôi nhà tưởng vô tri vậy mà có tác động vô cùng quan trọng.
Thời máy-học-làm-người này rất cần cái hồn mang tính người bồi đắp vào đời sống đầy rẫy dữ liệu và công nghệ. Hồn cũ trong góc nhà trở thành một trong những giáo cụ trực quan ít nhất khơi gợi được câu chuyện cho đứa trẻ nghĩ về nguồn cội, gốc gác, ngày hôm qua. Khi Paul McCartney thu âm bài Yesterday những ngày tháng 6 năm 1965, ông cũng không ngờ gần 60 năm trôi qua vẫn là ca khúc được cover lại nhiều nhất lịch sử nhạc pop, bởi điều đơn giản: nó quá đơn giản, như nói chơi chơi mà gói ghém trọn vẹn ý nghĩa về một ngày “hôm qua”.
Và việc mà con người sống trong đó, đủ trải nghiệm, chứ không phải ghé qua hay nhìn ngắm đơn thuần, sẽ khiến hồn nơi cư ngụ không phải muốn “chơi” là có được ngay sản phẩm có hồn.
Nơi để sống luôn có mới có cũ, ngày hôm nay luôn “sót lại” vết hôm qua. Cũ như mảnh đất bám rễ quá khứ, chứa đựng giá trị tinh thần nuôi dưỡng quá trình lớn lên. Cái cũ ăn sâu vào tiềm thức, dù trí nhớ trước mắt có mất mát thì vô thức vẫn nhắc về chuyện ngày xưa. Nó gợi sự gần gũi, gắn bó với mạch nguồn sống của chính ta.
Thứ khiến mình rưng rưng nức nở, làm mình nhớ tới ký ức trước đó, nhào nặn nhiều cung bậc cảm xúc chính là quá khứ.
Không nhất thiết phải quay lại quá khứ, bạn hoàn toàn có thể sửa chữa thiếu hụt quá khứ nơi hiện tại, ngay bây giờ. Như là…
Như từ bao la ta ra đời một kiếp nữa. Như từ trong nhau lớn lên khôn lên cùng nhau.
Một mái nhà “biết điều”, đủ bao dung trong tiếng cười hạnh phúc, với những chỗ “chơi đồ cũ” có tâm, có thể sẽ giúp nuôi dưỡng tâm tính lành mạnh trong mỗi đứa trẻ, để vang lên trong lòng câu kinh bình yên.
Và lớn lên cùng nhau, theo năm tháng, không thể vội vã.
Bài viết được in trong tạp chí Kiến trúc nhà đẹp, tháng 6.2023
LINK TƯ LIỆU THAM KHẢO:
(*) https://www.homesandgardens.com/ interior-design/interior-design-trends
(**) https://www.verywellmind.com/ concrete-operational-stage-of-cognitive-development-2795458
Featured image: Annie Spratt
