Có dịp xem bảng màu mà nghe nói của các chuyên gia màu sắc hàng đầu quốc tế, thấy hơi bán tín bán nghi khi đọc lời định hướng chung chung từ chuyên gia xứ người. Sao dùng cho hợp với xứ mình đây. Nên làm thế nào để nhà có cá tính và “mặn mòi” duyên dáng bớt nhàm chán?
Đến hẹn lại lên, cứ độ cuối năm nhà cửa đi vào hoàn thiện là thị trường rục rịch tung ra những bảng màu mới gối đầu qua năm sau, thường gọi là “xu hướng của năm”. Gần đây, ảnh hưởng đại dịch lẫn suy thoái kinh tế khiến ai nấy có vẻ bớt “sốt” với sắc trắng tinh tươm, hay đua nhau phối màu trung tính theo lối tối giản đã từng phổ biến toàn cầu.
Hay dở chưa rõ, nhưng mỗi người đều có ít nhiều các định nghĩa riêng, và tự nhủ sẽ theo đó mà làm, và có thể sống thoải mái trong đó. Vì màu gì thì cũng được chuyên gia trải nghiệm rồi tư vấn trong hội thảo hoành tráng rồi mà. Nên nhìn màu trắng đơn điệu quanh bốn bức tường riết thành ra chán mắt. Từ trong nhà, đến ngồi cà phê gặp bạn cuối tuần hay tản bước trên những con phố. Những hàng quán mới theo lối giản lược màu, nội thất thẳng thớm thay phiên nhau đập vào mắt.
Thế rồi các hãng năm nay “bày” thêm chuyện cho bảng màu của họ. Liều giải cho những u ám đơn sắc là gam màu sáng, mang cảm giác thư giãn trong sự lạc quan, phục hồi như chút nắng nhẹ phủ qua. Thêm chút sắc tươi tắn, lại thêm chút màu ấm áp để cho cái trắng bớt trắng tinh. Cứ đảo qua đảo lại vậy mà cũng rất bận rộn, rất năng động và thậm chí rất có câu chuyện đi cùng.

Theo dõi tình hình thời cuộc tác động tới tâm lý như dịch bệnh, sức khỏe tinh thần, khí hậu, môi trường nhằm đưa ra những dự đoán về màu có lý và dễ chấp nhận hơn. Từ thời trang cho đến các thương hiệu nội thất, kiến trúc đều làm chiến dịch giới thiệu bảng màu mang tính định hướng cho năm.
Chuyên gia đưa ra màu sắc chẳng phải họ thích vậy, mà là sự quan sát biến chuyển của xã hội từ quá khứ rộng mở về tương lai. Thực ra với người trong nghề, bảng màu đơn thuần là câu chuyện bán hàng của mỗi hãng. Nhà thiết kế có điểm nhìn mà tham khảo, có chủ đề bàn chuyện, có minh chứng cho khách hàng lựa chọn, theo mùa mỗi năm. Vậy với số đông còn lại, bảng màu theo xu hướng có giúp không gian của bạn bớt nhạt đi không?
Lâu lâu đi ngoài đường, nhìn hàng quán nào mới mở thì lại thấy na ná những kiểu cách hay bảng màu từ xứ Âu, xứ Mỹ đắp qua. Không có quán nào trông như châu Phi hay mang tên bộ lạc, thổ dân, xứ nghèo cả; phải chăng nếu nghèo thì sắc màu sẽ… hèn, không sang, không giúp check-in sống ảo hay chil chill được?
Phải chăng người ta khao khát việc trải nghiệm nhiều hơn, cập nhật nhanh hơn cảm giác “cao cấp” bằng việc tạo không gian na ná, cảm giác na ná, phong cách này kiểu dáng kia cũng na ná những nơi sang trọng, giàu có hơn xứ mình? Không trả lời thấu đáo được, chỉ biết quán xá được đầu tư về hiệu quả hình ảnh ngày càng nhiều, những “một góc Địa Trung Hải tại Sài Gòn, chất Pháp giữa phố thị, kiểu Mỹ trên chung cư” là từ khóa cho đa số kiếm tìm. Sơn phết bề ngoài là tiêu chí tối thượng nhằm tạo ra không gian cho thực khách đến chụp hình. Hàng quán dễ dàng dựa vào màu xu hướng để tạo nhận diện thương hiệu mới nhằm có thể sống sót qua 2-3 năm trên thị trường, rồi chìm luôn hay tái tạo thì… để mai mốt tính.
Nhưng đối với nhà ở riêng tư, nơi gia chủ đặt hết tâm sức mình vào để chăm chút, tận hưởng thì lại là chuyện khác.
Trước khi phủ lên lớp màu sơn hoàn thiện, họ đã có câu chuyện riêng muốn kể, đi liền mạch theo đó là hệ cửa và rèm, sàn gạch, ánh sáng, nội thất, chậu cây hay tranh ảnh… Vô số chỗ, vô vàn nơi mà lớp sơn không thể “với” tới, chỉ giữ vai phông nền cho các câu chuyện mà thôi. Thế nên nhiều nhà thiết kế có kinh nghiệm và cá tính riêng ít khi đem bảng màu của năm ra nói chuyện với chủ nhà. Lỡ năm sau đổi màu khác thì lột ra sơn lại à.
Có thể xu hướng gì, phong cách nào sẽ là phần mở đầu cho một cuộc trao đổi tản mạn. Nhưng ngay cả khi dù chủ nhà kiệm lời không kể, nhà thiết kế phải xét đoán tìm ý, thì về bài toán kinh tế, thật không dễ để thay màu sơn như thay áo quần mỗi năm. Trừ phi mỗi năm bạn xây một nhà mới thì coi như còn chút động lực để mà chạy theo xu hướng.

Có dịp đi đó đây mới thấy rằng, cứ nhớ đến nơi nào là nghĩ về màu sắc của cư dân nơi ấy, thứ màu mà họ sinh ra và sống chết với chúng bao thế kỷ, chứ làm gì thay đổi xoành xoạch như thời trang. Thứ màu trắng đến nhức mắt hòa cùng biển xanh vùng Santorini thật khó tìm nơi thứ hai tương tự. Thứ màu vàng ẩm ướt rêu phong các ngõ hẹp Hội An làm say đắm bao du khách quốc tế, khi mang vào chung cư trên cao ốc Sài Gòn tự nhiên bị khấp khểnh, chói lọi và khó ăn nhập nổi với không gian hiện đại. Khí hậu, lối sống, con người vùng đất, rồi ẩm thực rồi ngôn ngữ, và lịch sử và địa lý… bao nhiêu thứ khó kể hết các ràng buộc chồng chéo, chất chứa, tích bồi lắng đọng theo tháng năm, để hôm nay bật ra mấy vệt màu “chưa xa đã nhớ” của riêng mình.
Tinh thần của một đô thị hay ngôi nhà, nhìn ở khía cạnh sơn phết vì thế luôn không đủ. Và các hãng kinh doanh màu sắc cũng biết rất rõ điều này, khi biết cách kể các câu chuyện thiên nhiên và xã hội để ngõ hầu chia sẻ, cộng cảm cùng người tiêu dùng.
Thật ra màu của ngôi nhà là sự pha trộn từ lối sống người bản địa cho đến cảnh quan, là tiếng nói riêng biệt của một vùng đất. Người dân và đời sống đã quyết định phần nào gam màu hiện diện trong và ngoài nhà ở của họ. Và chính cái riêng ấy mới thu hút người ngoài thích thú ghé thăm, chiêm ngưỡng.
Khách thập phương chẳng phải từng mê mẩn thứ màu đá rửa đá mài đậm đà Sài Gòn đó sao. Khách xa quê chẳng thể nào cầm lòng khi quay về ngôi nhà sàn sơn xanh vùng nước nổi Đồng Tháp. Khách lãng du giữa mưa dầm xứ Huế chợt ấm lòng trước màu đỏ sậm trường Quốc Học đất cố đô… Màu sắc mang đặc tính vùng miền, không cần gán ghép thêm một dải màu mới hay cũ nào, bản chất vốn nằm sẵn, bạn chỉ cần hiểu ra và hòa vào căn tính riêng ấy thôi.
Quay lại chuyện làm sao để nhà mình bớt nhạt. Nhạt ở đây không ám chỉ một màu nhạt, mà ý nói về sự lạc lõng vô hồn trong phong cách, sự gán ghép vô căn cứ trong chọn lựa, và sự thiếu liên hệ đến công năng, sinh hoạt trong không gian. Như có lần một sinh viên nội thất đã ấp úng không trả lời được câu hỏi “Vì sao em chọn bảng màu Bắc Âu – Scandinaves cho không gian này?”. Bạn ấy cứ nói loanh quanh về các phong cách đang thịnh hành, về việc bạn muốn đem lại không khí a, câu chuyện b, ấn tượng c… cho nội thất mình thiết kế.
Và người thầy chỉ mỉm cười hỏi lại thật nhẹ nhàng rằng em vẫn chưa trả lời câu hỏi “Vì sao, từ đâu, điều gì khiến em chọn bảng màu này, chứ tôi biết ý nghĩa của nó và cách phối kết rồi. Tôi chỉ cần lý do!”.
Bạn hoàn toàn có thể dựa vào bảng màu hằng năm như một sự đảm bảo chuyên môn từ thương hiệu lớn, kiểu người có sức ảnh hưởng đã sử dụng thì mình có thể theo với lý do chính đáng là tâm thức tập thể và định hướng tiêu dùng từ người nổi tiếng. Cách đó rất hay để bạn trụ lại được và trôi cùng dòng sự biến đổi nhanh chóng của thế giới mà không cảm thấy lạc hậu. Nhưng khi đối diện với chính mình, có lẽ bạn sẽ nghe được tiếng nói từ sâu nhất trong chính cuộc sống của mình, không phải từ những người nổi tiếng trên mạng xã hội.

Kiến trúc, nhà ở, cuối cùng vẫn là nơi bộc lộ ra tính cách cá nhân của mỗi người. Không dễ để thay đổi thường xuyên ngôi nhà, từ phần cứng đến phần mềm, nếu không đọc vị được bản thân bạn. Ai đó nói nhà bạn nhạt thì bạn khá “cay”, nhưng bạn lại chưa biết phải “nêm nếm” thế nào cho nhà bớt “nhạt”. Có lẽ, tự soi tự vấn sẽ giúp bạn hiểu đời sống của mình hơn.
Cá tính của bạn hợp không gian dịu mắt hay sặc sỡ màu sắc. Bạn mong muốn được kết nối thêm với bên ngoài hay bên trong. Bạn chọn cây dây leo, tán lá dày hay mảnh mai. Vật liệu mộc mạc hay công nghệ hiện đại. Nếu biết rằng cần nơi thư giãn sau giờ làm việc quay cuồng, bạn sẽ biết phòng ngủ có gì cần gì. Dành thời gian để ý xóm giềng xung quanh, bạn quyết rằng cổng sơn đen hay sơn trắng thì vừa phải, hài hòa, và tôn lên nét duyên dáng nhà bạn với nhà chung quanh.
Tích lũy vốn sống, trải nghiệm và gạn lọc, rồi nêm nếm ra cách tổ chức nơi sống hợp ý mình, không lạc lõng với cộng đồng, có lẽ là tiến trình phù hợp giúp “màu” nhà bạn bớt nhạt.
Bài viết được in trong tạp chí Kiến trúc nhà đẹp, tháng 12.2022

Featured image: tạp chí KTNĐ