Từ trồng một cái cây, với việc lên mạng dông dài về nghệ thuật trồng cây là hai chuyện khác nhau, thậm chí trái ngược. Lẽ đời càng biết nhiều càng khiêm cung. Càng hiểu nhiều người ta lại càng im ắng, thu vén thật gọn gàng cho lối sống của mình. Khi đầy, sẽ đủ và không dễ chao đảo.
Thời đại nào thì con người cũng cần biết về trào lưu, xu hướng. Biết là để cập nhật, xuôi cùng dòng thời đại chứ không phải bám đuổi vật vã theo nó. Biết là để suy ngẫm, đưa ra mấy nỗi trăn trở nho nhỏ khi ngồi hàn huyên với bè bạn. Lâu ngày chỉ thấy trên mạng xã hội mà khó gặp ở ngoài đời, chợt nao lòng khi bạn hẹn ra ngồi “trút bầu tâm sự” về làm nhà. Hớt hải chưa kịp hớp ngụm nước, bạn mở đầu với những lo toan quanh chuyện chọn kiểu nào, làm ra sao. Bạn thích không gian tối giản cho nhẹ đầu, ít đồ thông thoáng để dọn dẹp cũng đỡ cực. Vậy mà chính bạn đã “vật lộn” không biết phải buông bỏ thứ gì, bỏ đi thì lại thấy thiếu tiện nghi.
Bạn muốn “sống đơn giản cho đời thanh thản”, nhưng…
ĐỜI CÓ NHƯ LÀ MƠ?
Công nhận, nhà nào nhà nấy đều chạy theo thời cuộc, đạt đến sự bình an trong tâm hồn. Bắt đầu từ không gian sống tối giản, ít đồ quan điểm của người Nhật bên phương Đông cho đến mấy hãng nội thất Bắc Âu bên trời Tây. Thử hỏi bạn hiểu sao về chữ tối giản, bạn thấy nó đẹp ở đâu theo con mắt của bạn, thế là được bạn diễn giải y như cập nhật kiến thức chuyên ngành sinh viên thiết kế. Nào là tính tối giản nằm ở vẻ ngoài gọn gàng, ít chi tiết, màu sắc trung tính, hay tập trung giải quyết công năng, chất liệu… sao cho sạch sẽ tinh tươm.
Bạn nói đúng nhưng có mỗi một chuyện chờ hoài không thấy nhắc tới, đó là bạn có thấy lối sống của mình vận hành thông suốt mà tinh gọn chưa. Bởi mình là chủ nhân căn nhà, đơn giản theo lý thuyết có thể thành đơn điệu, thiếu tiện dụng. Đơn giản mà sinh hoạt hợp lý, sở thích của mình thỏa mãn thì mới bắt đầu mon men tới tối giản.
Cho nên, đơn giản làm sao mình còn chưa biết thì sao… thanh thản cho được. Hơn nữa đơn giản trong thiết kế nhà cửa lại có thể khác với sự đơn giản trong lối sống của gia chủ sống bên trong. Hai điều này cần hòa hợp với nhau.
NGÓ NGHIÊNG ĐỂ ĐỂ TÌM CHÂN LÝ
Bạn có thấy, biết bao thương hiệu nổi tiếng thế giới mà cứ vài chục năm lại thay đổi logo nhận diện đấy thôi. Càng ngày càng bớt chi tiết trang trí rườm rà, thanh thoát hơn, tinh khiết hơn. Nó cần tồn tại theo dòng chảy thời đại, thời nay là nhanh, công nghệ hóa, tương tác hóa. Nhưng càng tối giản lại càng khó làm cho hay.

Như bộ phim Right Now, Wrong Then, ông Hong Sang-soon cố ý lặp lại nhiều trường đoạn tĩnh kéo dài 5 – 10 phút. Sự chăm chút nằm ở đoạn thoại đắt giá, những tính toán về bối cảnh, áo quần, nhạc nền, màu sắc, ánh sáng của đạo diễn. Hay đơn giản ngó qua món bánh cuốn nóng, bề ngoài chỉ có lớp bột mỏng được cuốn lại cùng nhân thịt, nấm bên trong. Nhưng quá trình làm thì đâu có đơn giản đạt tiêu chuẩn ngon. Nếu không làm nhiều đến nhuyễn nhừ quen tay, sao cảm được loại bột, đo đủ lượng nước, tính hơi bốc lên, gia giảm cân nhắc… cho vỏ bánh ẩm mềm, trong veo. Tối giản lại cũng có nhiều góc nhìn khác nhau, từ vẻ ngoài, khác, hay từ câu chuyện, hành trình đằng sau mà ít người nhìn thấy, cũng sẽ khác. Không cái tối giản nào giống cái nào.
LÀM ĐẦY SỰ TỐI GIẢN
Bạn về rồi, lại được dịp mang chuyện của bạn qua nói với anh kiến trúc sư có tiếng. Hỏi anh về triết lý Less is More của ông Mies van der Rohe quá nổi tiếng trên toàn cầu. Anh vặn rằng nếu mình đảo ngược thành More is Less thì sao, điều này đúng trong trường hợp nào khi làm nhà cửa. Tại sao qua bao nhiêu thiết kế, chủ nhà lại thường chọn phương án có vẻ đơn giản nhất mà từ đầu người kiến trúc sư trình bày. Tâm lý người ta thích bôn ba qua nhiều vùng đất, thử thách, rườm rà, rồi cuối cùng ngộ ra, và chọn được điều mình hợp. Khái niệm More is Less cũng tương tự, nếu đong đầy trải nghiệm, hiểu biết càng nhiều, càng hiểu mình ắt càng dễ tối giản khi lọc lại vài thứ chất lượng nhất, tinh tuyền nhất.

More Is Less là sự cân bằng nhiều khía cạnh phức tạp để đạt được sự giản đơn, thanh thản.
Ví dụ trồng một vườn cây trước hiên nhà, ngoài chuyện vận dụng nhiều kiến thức đặc thù nông nghiệp, thiết kế, thẩm mỹ… còn chuyện khác phức tạp hơn, khó mà nhờ nhà chuyên môn giúp được, chính là hiểu “ý mình” thật sự cần gì. Loại cây nào vừa tay thuận mắt với mình, tán lá dày phủ kín sân hay cần thông thoáng vì chẳng siêng năng quét lá mỗi ngày. Bạn cần bãi cỏ rộng rãi cho trẻ con chạy nhảy, người lớn nằm phơi nắng. Hay bạn cần khu vườn ươm thật rộng để thỏa niềm yêu thích làm vườn.

Có dịp ghé vào căn bếp đơn giản với kệ gỗ vừa vặn đặt 2 rổ rau củ, chén bát đủ cho một bữa cơm 6 người ngỡ như gia chủ sống đạm bạc kham khổ, nhưng kỳ thực họ rất thấy đủ với lối sống ấy. Mà bản chất ngày nay việc trồng trọt, chăn nuôi nguồn thức ăn không hóa chất, rồi chọn lọc đồ đạc, dọn dẹp tinh tươm… để đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người thành thị chọn lui về nếp sống trang trại là không hề đơn giản. Không dễ để ngày một, ngày hai làm được, bởi mọi tích lũy đều cần đánh đổi qua thời gian. Bạn muốn theo trường phái phức tạp hay đơn giản thì tùy, miễn sao tạo được cảm giác yên bình và an tâm cho đời sống, không thấy vướng mắc điều gì. Vậy là đạt được sự thanh thản.
Anh kiến trúc sư hỏi một câu trước khi chia tay: Một khu vườn um tùm cây cỏ có được xem là đơn giản so với một vườn mang chủ đề Zen garden không? Ừ thì phải xét đến nhiều khía cạnh chứ, không đáp án nào là sai cho câu hỏi trên. Chỉ là một cách hỏi để như nhắc người bạn sửa nhà cần bớt loay hoay chạy đôn chạy đáo, mà nên ngồi xuống, lắng lại, chiêm nghiệm về mình. Để biết cái đẹp của sự giản đơn, hãy hỏi chủ nhân, họ có đang hài lòng và thanh thản khi ở trong không gian, khi sử dụng món đồ đó không?
Bài viết được in trong tạp chí Kiến trúc nhà đẹp, tháng 8.2023

Featured image: tạp chí KTNĐ